Nghị định số 135/2024/NĐ-CP của Chính phủ

Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11 tháng 02 năm 2020 đã khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng, trong đó có phát triển điện gió và điện mặt trời, bao gồm điện mặt trời mái nhà.

Điện mặt trời mái nhà có những ưu điểm vượt trội:

1. Tận dụng tối đa tài nguyên bức xạ mặt trời, với quy mô phân tán, trực tiếp tại hộ tiêu thụ nên giảm bớt được phụ tải đỉnh của hệ thống điện tại các giờ cao điểm buổi trưa.

2. Giảm quá tải cho trạm biến áp và đường dây trong giờ cao điểm buổi trưa, giảm bớt áp lực đầu tư nâng cấp đường dây, trạm biến áp và giảm tổn thất lưới điện.

3. Góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến mục tiêu Net zero 2050.

4. Gia tăng hạn ngạch và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu khi áp dụng tín chỉ xanh.

5. Giảm chi phí tiền điện hàng tháng do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm buổi trưa, hoặc giảm chi phí mua điện bậc cao (giá của bậc 5, 6).

6. Sử dụng phần mái nhà có sẵn, không tốn diện tích khi lắp đặt (chiếm 5-6 m2/1 kWp).

7. Chi phí đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà giảm 50% so với giai đoạn Fit 1 (2019).

7. Huy động được nguồn lực đầu tư xã hội vào nguồn điện phân tán, giảm áp lực đầu tư tập trung nguồn của EVN. (Chi phí đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà hiện đã giảm 50% so với năm 2019).

Chính sách điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) và các kiến nghị từ doanh nghiệp
Tổng chi phí lắp đặt trung bình toàn cầu của các hệ thống điện mặt trời và mức giảm chi phí (năm 2010-2016 và 2016-2023).

Ngày 22/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (tự sản xuất, tự tiêu thụ) đáp ứng sự mong chờ của doanh nghiệp trong phát triển sản xuất gắn với tăng trưởng xanh.

Tổng quan về nghị định:

Nghị định này quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng gồm: Nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

Việc mua bán điện trực tiếp giữa các tổ chức, cá nhân được thực hiện theo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.

Như vậy, Nghị định có phạm vi áp dụng mở rộng cho tất cả các đối tượng là nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng trên phạm vi cả nước.

Chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ:

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định số 135/2024/NĐ-CP là chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Cụ thể, Nghị định quy định 9 chính sách khuyến khích trong Điều 8:

1. Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và không giới hạn công suất lắp đặt trong các trường hợp sau:

1.1. Không đấu nối với hệ thống điện quốc gia.

1.2. Lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia.

1.3. Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất dưới 100 kW.

2. Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất lắp đặt từ 1.000 kW trở lên và bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia, thực hiện thủ tục về quy hoạch điện lực và đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật.

3. Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.

4. Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được rút gọn các thủ tục hành chính theo quy định pháp luật chuyên ngành hiện hành.

5. Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật.

6. Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ của hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ; công sở và công trình được xác định là tài sản công được xác định là thiết bị công nghệ gắn vào công trình xây dựng.

7. Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc quy mô công suất theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch và điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ có công suất dưới 100 kW nếu không dùng hết được bán lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế như sau:

7.1. EVN thanh toán cho tổ chức, cá nhân phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế

7.2. Giá mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố nhằm bảo đảm khuyến khích phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.

7.3. Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ lắp đặt trên mái công trình xây dựng là công sở hoặc công trình được xác định là tài sản công không thực hiện mua bán sản lượng điện dư.

8. Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn hoặc không phải điều chỉnh giấy phép kinh doanh.

9. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tự quyết định lắp đặt hệ thống lưu trữ điện (BESS) để bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện.

Bảng tóm tắt Nghị định 135/2024/NĐ-CP:

Nghị định 135 về điện mặt trời (tự sản, tự tiêu) - Phản ánh từ doanh nghiệp, ý kiến của chuyên gia

Kiến nghị của doanh nghiệp:

Theo các nghiên cứu gần đây, tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời mái nhà của Việt Nam là trên 140 GW. Việt Nam hiện có 428 khu công nghiệp và hơn 1.000 cụm công nghiệp. Trong đó, có gần 80.000 doanh nghiệp và nhà đầu tư thứ cấp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao có tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời mái nhà ước tính gần 22 GW (nếu mỗi khu công nghiệp cho phép lắp đặt 50 MW).

Đặc biệt, doanh nghiệp lắp đặt, mang lại lợi ích lớn khi số năm thu hồi vốn hiện nay có thể giảm còn chỉ 3 năm. Trong đó, nhóm ngành dệt may, giày da, gỗ, chế biến chế tạo… đều muốn lắp điện mặt trời trên mái nhà xưởng, vừa để giảm tiền điện, vừa đạt các chứng chỉ xanh trong xuất khẩu.

Việc áp dụng các ưu đãi về thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính là những yếu tố giúp doanh nghiệp và hộ gia đình dễ dàng triển khai hệ thống điện mặt trời. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí năng lượng, mà còn là một bước tiến chiến lược trong việc chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, việc khuyến khích phát triển hệ thống lưu trữ điện (BESS) là một yếu tố quan trọng, giúp tối ưu hóa hiệu suất của các hệ thống năng lượng tái tạo, giảm áp lực điều độ hệ thống điện quốc gia.

Khái niệm sản xuất không carbon có thể được áp dụng như sau: BESS được tích hợp cùng với hệ thống điện mặt trời mái nhà, vào đầu giờ sáng 7g30-8g30 và cuối giờ sản xuất chiều 15g30-17g00 sử dụng điện từ BESS đã được lưu trữ từ 11g30-13g00 trưa của ngày hôm trước (giờ nghỉ trưa, giảm phụ tải điện sản xuất) hoặc các ngày cuối tuần. Giờ sản xuất khác: 8g30-11g30 và 13g00-15g30 sử dụng điện từ điện mặt trời mái nhà.

BESS với ưu điểm triển khai nhanh, đặt được ở nhiều nơi, cần công suất lớn hơn kế hoạch 300 MW trong Quy hoạch điện VIII vào năm 2030.

Chính sách điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) và các kiến nghị từ doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho mục tiêu gia tăng hạn ngạch xuất khẩu khi áp dụng tín chỉ carbon gặp khó khăn do chủ đầu tư khu công nghiệp (KCN) không cho đấu nối vào lưới điện của KCN, với lý do ảnh hưởng đến an toàn và công tác vận hành. Việc này có thể gây chậm trễ, mất cơ hội của doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời làm giảm tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, giảm doanh thu và lượng khách hàng trong tương lai. Có thể ảnh hưởng đến việc các doanh nghiệp rời bỏ KCN cũ để chuyển sang KCN mới có chủ trương sử dụng năng lượng xanh, sạch.

Doanh nghiệp có nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (tự sản xuất, tự tiêu thụ) phải gửi yêu cầu đến chủ đầu tư KCN và sẽ được một doanh nghiệp riêng của KCN thi công lắp đặt dẫn đến phụ thuộc giá thành thi công hệ thống có thể cao hơn giá thị trường thực tế. (Hiện nay suất đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà khoảng 7,5-8 tỷ VNĐ/1 MWp).

Trách nhiệm và khả năng can thiệp của ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất tại các địa phương có thể giúp được gì cho doanh nghiệp để họ có thể chủ động đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà trong thời gian nhanh chóng cho nhu cầu tự dùng, hoặc bán điện cho khách hàng lớn mà không có vướng mắc nào từ phía chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất?

Bảng dưới đây minh hoạ cho trường hợp giảm tiền điện và giảm phát thải CO2 trong thời gian 30 năm của khách hàng mua điện sản xuất, kinh doanh dưới 6 kV (theo biểu giá điện 2699 QĐ-BCT ngày 11/10/2024) sử dụng 100% công suất hệ thống điện mặt trời mái nhà (có xét đến suy hao hiệu suất quang điện 1% năm thứ 1 và 0,4% các năm sau), hệ số phát thải tính toán cho lưới điện Việt Nam năm 2022 là 0,6766 tCO2/MWh (căn cứ theo văn bản 327/BĐKH-PTCBT).

Chính sách điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) và các kiến nghị từ doanh nghiệp

Cùng với lợi ích từ nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ là lợi ích từ bán điện dư được nhiều người dân và doanh nghiệp quan tâm. Giá mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố. Theo số liệu được các cơ quan chức năng công bố: Giá điện năng thị trường bình quân năm 2023 là 1.091,9 đồng/kWh. EVN thanh toán cho tổ chức, cá nhân phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia, nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế… sẽ góp phần vào mục tiêu đến 2030 có 50% nhà dân và công sở lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, hướng tới Net zero 2050. (Hiện nay, tỷ lệ lắp của khách hàng trên chưa đến 1%).

Trao đổi của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam:

Nghị định 135 chưa tính đến việc có thể xảy ra kịch bản hàng triệu hộ lắp điện mặt trời mái nhà (tự sản xuất, tự tiêu thụ) không nối lưới có công suất dưới 100 kWp, đặc biệt sẽ tập trung ở khu vực miền Trung và miền Nam. Khi đó, tổng công suất của 1 triệu hộ với trung bình 50 kWp/hộ có thể đạt 40 GW vào giữa trưa, chưa nói đến 7,7 GW điện mặt trời mái nhà hiện có và các hệ thống mái nhà sẽ phát 20% lên lưới. Trong khi tổng phụ tải vào giữa trưa ngày nghỉ Chủ nhật hiện nay (ngày 27/10/2024) cả nước chỉ có 29,6 GW và riêng miền Nam + miền Trung chỉ có 15,8 GW. Tức là có thể xảy ra thời điểm giữa trưa phụ tải còn lại toàn bộ cả nước, hoặc ít nhất là miền Trung và miền Nam bị rơi xuống gần bằng không (hoặc là bằng âm nếu ở thời điểm hiện nay). Các hộ đó không nối lưới nên cũng không nối SCADA. Do đó, Công ty Vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO) chỉ còn cách duy nhất là tắt toàn bộ các nguồn có thể tắt dẫn đến chập tối không thể khởi động lại.

Các hộ dân có thể lắp BESS, vì họ nằm ngoài quy hoạch 300 MW BESS nên có thể khuyến khích chứ không thể kiểm soát công suất lắp BESS của họ. Nhưng với doanh nghiệp lắp BESS, thì giá thành sẽ là mối quan tâm chính.

Theo Viện Năng lượng (Bộ Công Thương): Hiện tại, giá thành điện được phát ra từ BESS có công suất 18,2 MW dung lượng 91 MWh sẽ là 15,02 Cent/kWh (chưa kể đầu vào) – tức là tương đương 3.800 đồng/kWh, cao hơn giá điện lưới rất nhiều, không có lợi cho doanh nghiệp.

Hệ thống BESS có công suất và dung lượng nhỏ hơn sẽ có giá thành điện cao hơn 3.800 đồng/kWh (chưa kể giá điện đầu vào). Do đó, với quy mô 300 MW BESS trong Quy hoạch điện VIII hiện nay vẫn chưa lo thiếu room quy hoạch cho các doanh nghiệp, trừ phi Chính phủ bắt buộc các doanh nghiệp phát điện mặt trời và điện gió phải lắp đặt BESS từ 5-20% công suất đặt với dung lượng 2-4 giờ (tương tự như Trung Quốc đang áp đặt với các doanh nghiệp năng lượng tái tạo xây mới từ 2023).

Còn về phía các doanh nghiệp sử dụng điện, chỉ có một số doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao mới có thể đủ điều kiện tài chính lắp BESS để sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Trong thực tế, đa số các doanh nghiệp có điều kiện tài chính chọn mua điện năng lượng tái tạo ảo theo quy định mua bán điện trực tiếp (DPPA) nối lưới quốc gia.

Vấn đề doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp thuộc trách nhiệm quan hệ hợp đồng giữa doanh nghiệp và khu công nghiệp, nên Nghị định chưa thể can thiệp. Khu công nghiệp có quan tâm của họ về việc mua điện với chi phí tốt nhất từ lưới điện và cấp điện ổn định cho toàn bộ doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Chính phủ đang khuyến khích các khu công nghiệp trở thành các chủ thể cung cấp điện năng lượng tái tạo cho các doanh nghiệp với tỷ lệ cao nhất có thể.

Doanh nghiệp sẽ rất cân nhắc giữa lựa chọn điện mặt trời mái nhà không đấu nối với lưới và nối với lưới để bán 20% công suất điện dư. Bởi vì, các điều khoản pháp lý và kỹ thuật đối với trường hợp không nối lưới đơn giản hơn rất nhiều. Vượt qua các điều khoản đó, được nghiệm thu và đầu tư thêm nhiều thiết bị kiểm soát để bán 20% lên lưới với giá 1.091,9 đồng/kWh có thể chưa hấp dẫn với doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà. Đó là chưa kể 20% bán lên lưới chịu rủi ro bị cắt giảm công suất vào đúng lúc điện mặt trời phát công suất cao nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Document